Là doanh nhân có nhiều gắn bó với công tác hải quan, Ông Johnathan Hạnh Nguyễn được Tổng cục Hải quan vinh danh trong thực hiện quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp tại Diễn đàn . Tại đây, ông cũng có bài phát biểu với 6 đề xuất quan trọng nâng cao chất lượng quan hệ đối tác với cơ quan Hải quan.
Tại Diễn đàn Hải quan – Doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề “10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp” do Tạp chí Hải quan và Ban Cải cách hiện đại hoá Hải quan , nhân kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2024), ông Johnathan Hạnh Nguyễn được Tổng cục Hải quan vinh danh trong thực hiện quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá, 10 năm qua, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, không ngừng phát triển cả về chất lượng lẫn quy mô.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, ngành Hải quan cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải tiến các quy trình hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp với các thông lệ quốc tế bao gồm: chuyển đổi số, hải quan thông minh và đơn giản hóa thủ tục… Điều này đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu những sai sót, mang lại sự an toàn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Để tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng nêu trên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị, đề xuất cơ quan Hải quan 6 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, cơ quan Hải quan cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để có thể bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Thứ hai, cần đơn giản hóa thêm thủ tục, mặc dù thời gian qua các thủ tục đã được đơn giản hóa đáng kể, nhưng vẫn còn phức tạp đối với một số loại hàng hóa đặc thù, như hàng công nghệ cao hoặc hàng hóa song dụng. Việc chuẩn hóa thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.
Thứ ba, cần tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại nhằm đảm bảo mọi hoạt động xuất nhập khẩu tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật, giúp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định.
Thứ tư, cần tăng cường tự động hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI).
Thứ năm, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thông quan thực hiện thêm các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho các SME đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin.
Thứ sáu, nghiên cứu phát triển cơ chế chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan.
“Chúng tôi sẽ không ngừng đóng góp ý kiến và đề xuất để giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự năng động, nhạy bén và chuyên nghiệp, lãnh đạo Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đưa ngành Hải quan luôn là đơn vị đứng đầu trong cả nước về công tác cải cách, hiện đại hóa cũng như sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ.